Với vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, các phong tục, tập quán và đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái chính là nguồn tài nguyên quý giá để bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn) trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch.
Bản Ngàm mang trên mình một vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo khi ẩn mình trong những cánh rừng xanh ngát với bầu không khí trong lành, không gian yên tĩnh. Cùng với đó là những rừng luồng, tre, vầu, nứa… có thể được sử dụng để làm sản phẩm truyền thống, phục vụ cho du khách tham quan. Tre, luồng cũng được người dân nơi đây làm đồ gia dụng, như: thúng, mủng, dần, sàng, bàn ghế, giường chõng, đến khung cửi, xa quay sợi… Đặc biệt, nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng để xây dựng homestay, nhà ở, phòng ngủ, nhà tắm và các tiện ích khác để phục vụ du khách.
Ngoài ra, những ngôi nhà sàn đặc trưng, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, kết hợp những điệu xòe, điệu khặp dặt dìu, khua luống uyển chuyển, cùng lời ca, tiếng hát cùng những đặc sản hấp dẫn như: cá suối nướng than củi, canh uôi, cơm lam, lợn bản, gà bản, rượu cần… đã gắn bó với đời sống, sinh hoạt từ bao đời nay của người dân địa phương là những yếu tố giúp bản Ngàm ngày càng được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến, yêu thích và khám phá. Bên cạnh đó, việc đưa các nghề truyền thống vào khai thác du lịch được xem như một chiến lược phát triển bền vững. Điển hình như các nghề: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đan lát mây – tre, đan lưới đánh cá, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, rượu men lá…
Đặc sắc nhất phải kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn bản Ngàm có 70% hộ gia đình còn sở hữu khung cửi và duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Các sản phẩm có thể sử dụng cho hoạt động khai thác du lịch như: khăn trải bàn, khung ảnh, ga trải giường, chăn, gối và nhiều sản phẩm lưu niệm khác có giá trị. Việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, mua sắm, đồng thời trực tiếp tham gia dệt thổ cẩm cùng người dân địa phương.
Với những tiềm năng, thế mạnh trên, từ năm 2019, huyện Quan Sơn đã bắt đầu triển khai phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại bản Ngàm. Gia đình chị Lữ Thị Nguyệt là một trong những hộ đầu tiên tại bản Ngàm làm du lịch cộng đồng. Chị cho biết: “Gia đình tôi trước kia chỉ làm nông nghiệp. Được sự động viên, hướng dẫn, hỗ trợ của huyện, xã và bản, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển hướng làm du lịch. Nhà sàn và khu vực khuôn viên của gia đình được cải tạo, nâng cấp trở thành nơi phục vụ ăn, nghỉ cho du khách. Gia đình tôi cũng đã tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng do huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ đó, các kỹ năng về phục vụ du khách cũng như cách chế biến các món ăn mang đậm nét đặc trưng của bản cũng được nâng cao”.
Giai đoạn đầu triển khai du lịch cộng đồng bản Ngàm gặp không ít khó khăn, nhất là từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Với quyết tâm phục hồi các hoạt động du lịch và tiếp tục xây dựng bản Ngàm trở thành điểm du lịch cộng đồng trọng điểm, năm 2023, huyện Quan Sơn đã triển khai xây dựng mô hình “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái gắn phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Sơn Điện”. Huyện đã mời các chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu xây dựng mô hình, từ đó có những đánh giá cụ thể về thực trạng, tiềm năng thế mạnh, tồn tại, hạn chế và định hướng triển khai áp dụng tại bản Ngàm.
Trong tháng 8/2023, huyện Quan Sơn đã liên tục mở các khóa, lớp, chương trình tập huấn cho các học viên là người dân tại bản Ngàm, điển hình như: Tập huấn phương pháp kỹ năng xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái trong phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn giới thiệu, truyền dạy khèn bè dân tộc Thái; dàn dựng chương trình văn nghệ cho đội văn nghệ của bản; tư liệu hóa quá trình truyền dạy và tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái gắn với mô hình du lịch cộng đồng… Việc triển khai xây dựng mô hình trên đã được UBND xã Sơn Điện hỗ trợ về trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác quảng bá, tuyên truyền và hoạt động của đội văn nghệ… Qua đánh giá bước đầu, mô hình đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với công tác khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, qua đó thúc đẩy hoạt động du lịch ngày càng phát triển.
|
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Sơn Lê Văn Thơ, cho biết: Đến nay, tại bản Ngàm có 10 hộ trực tiếp kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Về cơ bản, các hộ đã được huyện, xã định hướng, hỗ trợ bằng những cơ chế, chính sách phù hợp nhất nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, qua đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm tại bản Ngàm. Khu Du lịch bản Ngàm đã thành lập ban quản lý, có các tổ kinh doanh lưu trú, tổ lễ tân, tổ ẩm thực, đội văn nghệ. Hiện nay có hai nhóm biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Mỗi nhóm văn nghệ thường có từ 10 đến 12 người và có từ 3 đến 5 tiết mục đặc sắc nhất. Bên cạnh đó, bãi đỗ xe, khu vực bày bán các loại sản vật, đặc sản địa phương cũng như quầy giải khát được bố trí hợp lý, thuận tiện cho du khách tới tham quan, khám phá, trải nghiệm. Công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm tốt, tạo sự yên tâm cho du khách.
Trong 10 tháng năm 2023, bản Ngàm đã đón gần 4.800 lượt khách du lịch, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Điều đáng mừng là số lượng du khách quốc tế đã tăng đáng kể. Những kết quả đáng khích lệ nói trên là cơ sở quan trọng để huyện Quan Sơn tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư trọng điểm phát triển du lịch tại bản Ngàm. Đây là những yếu tố quan trọng để bản Ngàm thực sự trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở vùng cao Quan Sơn.
Nguồn: vhds.baothanhhoa.vn