Lịch sử hình thành Bản Ngàm

Bản Ngàm thuộc xã Sơn điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tọa lạc tại Km 59+100 Quốc lộ 217, với tổng diện tích tự nhiên rộng lớn 976,8 ha, là nơi cư ngụ của 75 hộ dân với 358 nhân khẩu, sinh sống thành bốn cụm dân cư dọc theo sông Luồng thơ mộng và hùng vĩ. Toàn bản có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống đó là dân tộc Thái chiếm 83,6% và dân tộc Mường chiếm 16,4%, có 5 dòng họ chính: họ Lò, Lương, Vi, Ngân, Phạm, sinh sống hòa thuận, đoàn kết và xây dựng một cộng đồng dân cư mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng đất Quan Sơn22.

Quay ngược trở về quá khứ cách đây 650 năm (khoảng 13 đời) tức là vào khoảng Thế kỷ XIV, bà con trong bản vẫn truyền tai nhau về tên gọi bản Ca Nhăng Tắng Hườn Xóng Xốn, là tên gốc của Bản Ngàm ngày nay. Theo chia sẻ của các cụ cao niên trong bản, tên gọi bản Ca Nhăng Tắng Hườn Xóng Xốn có ý nghĩa đặc biệt, phản ánh một giai đoạn lịch sử khó khăn của cư dân trong thời kỳ phong kiến, bị chính quyền xưa thực hiện chính sách chia để trị, dẫn đến các cụm dân cư bị chia tách, mất đoàn kết kéo dài. Theo đó, Ca Nhăng tiếng Thái nghĩa là bực tức, bối rối; Tắng Hườn Xóng Xốn nghĩa là dựng nhà hai đầu làng, chia thành hai cụm dân cư tách rời, thiếu sự gắn kết, chung sức, chung lòng23.

Theo các cụ truyền lại, thời kỳ bản Ca Nhăng, đơn vị hành chính dưới Mường có Pọng và cấp dưới Pọng có Bản. Mường có ông Mường, Pọng có tạo Pọng, bản có quan Bản. Ở thời kỳ đó, bản Ca Nhăng không đủ dân số để lập một Pọng, do đó, bản đã đồng ý kết hợp với Pọng Bơn. Bản Ca Nhăng chỉ có quan, không có Tạo, mọi quyết định, hoạt động trong bản phụ thuộc tạo Pọng Bơn cho nên cái tên suối Bơn, hát Bơn ở Bản Ngàm hiện nay chính là dấu ấn lịch sử ngày ấy, hằng năm dân bản Ca Nhăng phải cống nạp, phục dịch cho tạo Bơn và tuân theo sự sai khiến của tạo Bơn phục dịch ông Mường Mìn. Quan của bản Ca Nhăng là người dân tộc Thái, quê gốc ở Mường Thanh thuộc Điện Biên, Lai Châu ngày nay, thuộc họ Lò Văn di cư đến Hoà Bình rồi sang Lào, xuôi theo sông Luồng xuống đến bản Ca Nhăng thấy đất đai rộng lớn, điều kiện làm ăn thuận lợi, dân cư lại ít nên ở lại bản Ca Nhăng sinh cơ lập nghiệp. Dòng họ Lò Văn có thanh thế nên được tạo Pọng Bơn và ông Mường Mìn bổ nhiệm làm quan bản Ca Nhăng. Các thế hệ con cháu của quan Ngàm hiện vẫn đang sống tại Bản Ngàm là dòng họ ông Lò Văn Kéo, Lò Văn Lọm.

Bản Ca Nhăng được đổi tên thành Bản Ngàm

Theo các cụ cao niên trong bản kể lại, vào khoảng hơn 13 đời trước ông Thống lĩnh Khằm Ban thuộc họ Lò Khằm, người quê Mường Thanh thuộc Điện Biên Lai Châu ngày nay là một danh tướng của nhà vua thời đó, được phái đến vùng Tây Bắc Thanh Hóa dẹp giặc và sau đó được nhà vua ban lộc cho quyền lựa chọn đất ở và trị vì. Ông thống lĩnh Khằm Ban đã chọn Mường Ca Da (tức Hồi Xuân Quan Hóa bây giờ) nơi có ba con sông đổ chụm vào nhau thành dòng sông lớn gọi là sông Mã. Sau một thời gian 2 người con của ông Khằm Ban khôn lớn và được phân cai quản các vùng đất. Người anh cả ở lại Mường Ca Da tiếp tục sự nghiệp của cha, người con thứ hai được phân công đến cai quản Mường Bo – Nang thuộc Lang Chánh ngày nay, ông lập gia đình và sinh được 3 người con gồm 2 trai, 1 gái. Để nuôi dạy con cái có kiến thức sâu rộng, ông đã nuôi một thầy giáo người Kinh để dạy học tại nhà cho 03 người con của mình. Theo thời gian, chị cả lớn đem lòng yêu mến thầy giáo và được cha mẹ đồng ý kết hôn, cho phép thầy ở rể sinh sống chung một nhà. Khi anh Hai, anh Ba lớn lên thì quyền cai quản trong nhà, trị vì thiên hạ bị chị cả và anh rể lấn át. Quá tức giận, hai anh đã đưa ra hai lời thề một là từ nay trở đi nhà họ Lò Khăm này không cho ở rể, hai là không làm cai trị dân nữa. Sau khi thề hai anh bỏ nhà đi ngược theo sông Lò lên Mường Mò, Mường Kiên, Mường Pao đến Mường Xôi (Lào). Anh Hai lấy vợ lập nghiệp ở Mường Xôi. Anh Ba ở với anh Hai một thời gian thì trở nên buồn rầu, nhớ tới ông bà tổ tiên ở Mường Ca Da nên thường lui tới. Trên đường xuôi qua sông Luồng về thăm ông bà, anh Ba thường đi qua bản Ca Nhăng, gặp và đem lòng yêu mến con gái quan Ca Nhăng, được quan Ca Nhăng đồng ý gả con gái và chia phần đất lập nghiệp.

Sau khi phân chia đất cho con rể, ông quan Ca Nhăng triệu tập Hội làng tại khu đất đầu làng và công bố với dân làng về việc nhập thêm một dòng họ mới, bàn về đổi tên làng và thành lập bản mới. Ông con rể đứng trước dân làng, lấy một cây có tên gọi là Kéo Mu trồng ngọn xuống đất và thề rằng: Nếu cây Kéo mu này sống thì xin được sống hòa thuận với Ca Nhăng và xin được đổi họ Lò Khằm thành họ Lò Văn, vẫn giữ tập tục Lò Khăm nhưng không làm Tạo nữa. Trong không khí thề thốt trang nghiêm đó, quan Ca Nhăng tuyên bố từ nay chúng ta thêm lực lượng, mọi người hòa thuận, đất đai, sông suối thiên nhiên tuyệt đẹp nên chúng ta đổi tên bản Ca Nhăng với ý nghĩa không được hòa thuận thành Bản Ngàm, nghĩa là bản làng tốt đẹp, yêu thường, đoàn kết. Ngày lịch sử thay tên bản Ca Nhăng thành Bản Ngàm cách đây đã hơn 13 đời người, nghĩa là cách đây khoảng hơn 650 năm.

Từ khi tên bản Ca Nhăng được đổi thành Bản Ngàm, với hai dòng họ chính là Lò Khăm và Lò Văn, nhớ lời thề xưa, các lớp cha ông sống yêu thương đùm bọc nhau như trong một nhà sống gắn bó trên mảnh đất Bản Ngàm thiên thuận nhân hòa. Họ chung tay nhau khai khẩn đất đai làm ruộng nước, tận dụng hết những piềng bãi. Thời ấy, rừng rậm nước nhiều các xứ đồng đều đủ nước tưới cày cấy được. Trên rừng chim thú hót rất nhiều, bò tót từng đàn xuất hiện tại chân núi đá Pha Đón, không khí thiên nhiên nhập tràn với tiếng chim kêu vượn hót rộn ràng. Tinh nghịch và gây ấn tượng cho cư dân trong bản lúc bấy giờ là từng đàn khỉ kéo về bản, xuống sông mò cua bắt ốc, nhiều đàn chim với đầy đủ các chủng loại và màu sắc, thú vị nhất là đàn chim Phượng Hoàng Đất cùng nhau kéo về bản làng, tụ tập tại cây si đầu làng ăn quả chín và hót vang rộn cả một góc rừng. Dưới sông Luồng nước trong xanh, mát rượi, cá nhiều vô kể với nhiều chủng loại khác nhau, cư dân trong bản với một vài thao tác  điêu luyện cùng tấm lưới nhỏ đã có đầy ắp giỏ cá mang về, nghề chài lưới, đi câu của cư dân nơi đây phát triển mạnh mẽ và không chỉ đơn thuần là hoạt động sinh kế, mà nó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái nơi đây, một thú vui gắn liền với cuộc sống của cư dân miền sơn cước còn được lưu giữ và bảo tồn đến ngày nay.

Đất lành chim đậu dần dần Bản Ngàm có thêm các dòng họ mới như họ Vi, họ Lương, họ Phạm, họ Ngân; ngoài người Thái có thêm người Mường nhập cư nguyện cùng sống theo truyền thống đoàn kết tương trợ cần cù chịu khó lao động khai khẩn đất đai ruộng đất có được như ngày nay, xóa nhòa vào dĩ vãng cảnh bản Ca nhăng, mất đoàn kết thời đầu dựng làng xa xưa. Đặc biệt truyền thống tốt đẹp được các lớp cha ông gây dựng giữ gìn càng được phát huy từ khi có cách mạng tháng 8-1945 thành công, và kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bản Ngàm trở thành căn  cứ cách mạng, đóng góp đáng kể sức người, sức của cho kháng chiến, trung thành một lòng với tổ quốc.

Sau chiến thắng 30-4-1975 nước nhà hoàn toàn được giải phóng. Tổng kết lại trong thời kỳ này HTX nông nghiệp Bản Ngàm đã 19 năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến (1966 – 1975), dân quân 10 năm liền được công nhận là đơn vị quyết thắng (1966 – 1975). Đội văn nghệ Bản Ngàm trở thành đơn vị chủ lực trong biểu diễn và khích  lệ tinh thần yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc cho toàn dân, được chính quyền địa phương nhiều lần khen thưởng.

Trước những năm 1990, Bản Ngàm xưa tọa lạc cách Bản Ngàm mới ngày nay khoảng hơn 1km về hướng Đông Bắc. Ở thời điểm đó, nền kinh tế thị trường được khuyến khích phát triển, vị trí địa lý của Bản Ngàm cũ không còn được thuận lợi cho việc giao thương buôn bán, phương tiện di chuyển rất khó khăn. Trước vấn đề đó, một số hộ dân trong bản đã chủ động di chuyển nhà cửa, vật nuôi lên khu đất của Bản Ngàm ngày nay để chăn nuôi và sinh sống.

Nhận thấy nhiều thuận lợi mang lại tại nơi ở mới, nhiều hộ dân khác trong bản đã di chuyển theo. Đến năm 1995, 100% các hộ dân tại Bản Ngàm cũ đã di rời đến Bản Ngàm mới, toàn bộ các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được cư dân mang theo và thực hành trong cuộc sống hằng ngày cho đến ngày nay. Tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn trong cuộc sống đã trở thành bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân nơi đây.

Tất cả những giá trị đó vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn và trở thành những tài nguyên quý giá trong khai thác và phát triển du lịch cộng đồng hiện nay.